Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Vui vẻ cùng "dài nhất và cao nhất thế giới"


Rõ rồi, dài nhất và cao nhất thế giới, sách kỷ lục công nhận hẳn hoi; ấy là cáp treo Bà Nà, Đà Nẵng. Trước khi đi, có đồng nghiệp ở địa phương nói gở mồm, rằng: Đúng thế thật! Đúng là từ ngày khánh thành, chưa có ai ngã, chết cả; nhưng cũng chả biết thế nào. Bố khỉ, chỉ nghĩ là chuyện vui. Hành xác dưới cái nắng nóng, chuyện xếp hàng, rồi cũng lên được cabin, đúng 8 người một "chuồng". Thoạt đầu, cũng thấy thường thường, vì đã đôi lần đi cáp treo, từ chùa Hương đến Yên Tử. Đi được một đoạn, Tin bỗng nói một câu rợn người: "Như đường lên thiên đường ấy Bi nhờ". Ừ, thì chỉ là Tin mê Doremon nên nói vậy thôi, cũng chỉ nghĩ rằng đấy là nơi sung sướng, thích thú. Thấy bố nhìn anh Tin vẻ nghiêm mặt, Bi thực tình cũng chẳng biết gì, nhưng "chữa cháy" hộ anh ngay: "Không phải bố nhờ. Thiên đường ở tít trên trời bố nhờ". Bố phì cười, gật gật. Anh Tin không nhìn ngang nữa, mà cúi xuống. Bố cũng cúi xuống theo. Những thảm rừng già nguyên sinh nhỏ như những thảm cỏ, mướt xanh và êm ái. Rồi Tin bất chợt bảo: "Nếu mà rơi xuống, ở dưới có người đỡ cũng không chết đâu bố nhờ". Biết là trẻ con hay tưởng tượng, nói những điều rất thật; nhưng bố phải chấn chỉnh ngay, không được nói tiếp đề tài hãi hùng ấy nữa. Vì cứ nhắc đi nhắc lại thế, bố cũng sợ, nữa là mấy người ngồi cùng cabin mà không phải thanh niên, đàn ông. Về đến bến cáp treo, bố hoàn hồn thét lên: "Thành công rồi". Và đỉnh Bà Nà ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển đã được Tin và Bi chinh phục thành công, nhờ xe ôtô và cáp treo.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Thêm yêu gia đình hơn

Ngày tôi quyết định chuyển sang Báo Gia đình & Xã hội sau bao phân vân, đắn đo; bố tôi - một đồng nghiệp, "định hướng" rằng, "nơi nào thoải mái, phát huy được khả năng thì con đến. Rời Lao Động là rất tiếc, nhưng sang Gia đình & Xã hội cũng được, chỉ cái tên thôi, cũng thấy nhiều cái để làm. Gia đình và xã hội thì không bao giờ mất được cả".

Vậy là tôi quyết định chia tay Lao Động sau tròn 12 năm, 3 tháng gắn bó; một quyết định mà rất nhiều người thoạt nghe đã cho là "điên", "dở hơi"... Nhưng thôi, đi đâu cũng là làm báo.

Tất nhiên, làm báo ở "gia đình thứ 2" mới, có những đặc thù riêng. Có nhiều “món” mà tôi lần đầu tiếp cận, hoặc trước đây, chỉ loáng thoáng nghe qua chứ không đọc kỹ đến từng dấu chấm, dấu phảy. Ngày qua ngày, những số báo cứ lần lượt trôi qua, những chuyên mục khá lạ lẫm trước kia giờ quen thuộc, thiết thực và hứng thú mỗi khi đọc. Qua các trang mục, đôi khi chỉ rất ngắn thôi, cũng thấy hiện lên những cảnh đời khiến ta phải suy ngẫm, thấy xuất hiện những tình huống trong đời sống gia đình, xã hội khiến ta phải lưu tâm, thay đổi hay phát huy. Với "Làm cha mẹ", có thể thấy thêm những phương pháp giáo dục, chăm sóc con cái; với "Chuyện của tôi", khiến phải nhìn lại mình, để vươn lên, hướng thiện hơn. Rồi những "Chìa khóa phòng the", "Sức khỏe phòng the", "Cơ thể - tâm hồn", "Người khác giới nhìn nhau"... những giao tiếp, ứng xử giữa cha mẹ với con cái, những trao đổi, cảm thông trong đời sống vợ chồng… đã dần được điều chỉnh, hiểu nhau, gần gũi và cảm thông hơn.

Đôi khi, từ “đỉnh cao” đi xuống, thấp hơn, dù chỉ một chút thôi, cũng thấy có nhiều điều đáng trân trọng. Với tôi, từ tờ báo “thượng thọ” 80 xuống “vị thành niên” 10 tuổi, cái được hiển hiện là cảm thấy thêm yêu gia đình hơn, tích tụ, bồi lắng từ chính những chuyên mục, những phận người xuất hiện trên báo, thật bình dị, gần gũi và dễ đồng cảm.

Số kỷ niệm 10 năm ngày ra số báo đầu tiên

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

Về quê


Nay là hôm thứ 3 rồi, 3 mẹ con về quê nội, ngoại chơi. Mẹ được nghỉ hết hôm nay, trong khi mình không được nghỉ ngày nào, giờ còn đang dài cổ đợi bài số ghép kỷ niệm 10 năm thành lập Báo.
Hôm rồi về, mẹ bảo: "Thế anh không được nghỉ ngày nào à? 30/4 tới, công ty em cũng được nghỉ tận 4 ngày". Vẫn biết là làm báo thì không có ngày nghỉ, báo vẫn phát hành thì vẫn phải làm việc, nhưng thấy "gợi ý" kiểu đi du lịch ấy cũng áy náy phết.
Về quê nội, Tin và Bi sướng nhất, vì có đông anh chị em đến chơi. Lại được chạy nhảy thỏa thuê nữa. Lần nào cũng vậy.
Nhưng lần này vào quê ngoại, Tin và Bi còn có niềm vui thích riêng.
Tin về đúng hôm cậu mợ khai trương cửa hàng Games, Internet. Quá sướng, Tin ngồi lì suốt ở đó. Trò chơi gì cũng biết ngay. Mấy bạn của cậu đến chơi, nhìn Tin mà thích mê, còn lắc đầu thán phục: "Ơ cái thằng cu này, bé tí mà chơi giỏi thế". Đến cậu là dân IT cũng phải khen Tin là, "chơi giỏi hơn cả cậu". Mẹ bảo, thôi chiều nay xuống rồi, cho Tin chơi thoải mái luôn.
Nhưng Bi mọi ngày ở nhà rất thích chơi điện tử, lần này lại không đoái hoài đến cả phòng mấy chục máy của cậu mợ. Bi chỉ thích chơi với em Tùng Lâm, cứ lởn vởn xung quanh em thôi, rất ra dáng ông anh. Ngoan hết ý luôn.
Chiều nay, ba mẹ con xuống rồi.
Tối về bố không phải lọ mọ mở cửa, bật điện, lủi thủi và lặng im dán mắt vào màn hình tivi, bật hết kênh này đến kênh khác nữa.

Vào chung kết


Sáng nay, loạt trận bán kết giải lục hùng nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Gia đình & Xã hội đã kết thúc. Kết quả không ngoài dự đoán, có chăng chỉ là tỉ số đậm đà 4-0 của đội chủ nhà (mình lập cú đúp) trước Tổng cục DS-KHHGĐ và việc Vnexpress.net (hình như nhiều "phủi") phải vất vả lắm mới thắng được T&T.HN ở loạt sút luân lưu 6m (hòa 5-5 trước đó).
Vậy là đội chủ nhà đã vào chung kết, gặp lại Vnexpress.net vào sáng thứ 4 tới ở sân nhà máy nước. Hy vọng lại thắng, để lần đầu biết hương vị vô địch một giải đấu nó ngọt ngào như thế nào.